MỤC TỬ NHÂN LÀNH

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

******

Một thoáng suy tư về hình ảnh của người MỤC TỬ TỐT: “Εγώ εἰμι ὁ ποιμὴν ὁ καλός. ὁ ποιμὴν ὁ καλὸς τὴν ψυχὴν αὐτοῦ τίθησιν ὑπὲρ τῶν προβάτων” – “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

“Người chăn chiên” là hình ảnh quen thuộc trên những cánh đồng du mục tại Israen, nó gần gũi, thiết thân trong cuộc sống và tôn giáo của dân Chúa. Người chăn chiên gợi lên hình ảnh Mục Tử Tốt trong Kinh Thánh: “Tôi chính là Mục Tử Tốt” (Ga 10,11). Theo tiếng Hy Lạp, tính từ “καλός” có nghĩa là “tốt”; danh từ “ποιμὴν” có nghĩa là “mục tử”; cụm từ “ποιμὴν ὁ καλός” có nghĩa là người mục tử tốt, “người có đủ những đức tính cần thiết để chu toàn chức vụ chăn chiên”[1]. Khi Chúa Giêsu tuyên bố Người là Mục Tử Tốt, nghĩa là Người có đầy đủ yếu tố để chăn “đoàn chiên”[2] và hàm chứa một kinh nghiệm (thực tại) là có những mục tử “không tốt” trong “lịch sử và xã hội của dân Thiên Chúa.

Hình ảnh người mục tử không tốt trong Cựu Ước. Trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Ngài với Ápraham: “Dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22, 17) và Ngài thiết lập triều đại trường tồn vạn kỷ trên mục tử tốt là Đavít (x.Tv 45, 6), vị “mục tử đẹp”[3](x.1Sm 16,12) của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự tốt–đẹp nơi vua Đavít đã bị nhem nhuốc vì “hành động của vua không đẹp lòng Đức Chúa” (2Sm 11,27), vua đã giết người và cướp vợ của bề tôi là Urigia: “Bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi khách” (x. 2Sm 12), vì thế, “gươm giáo sẽ không bao giờ ngừng chém nhà của vua” (x.2Sm 12,10). Khi Salômôn nối ngôi vua Đavít, ông đã làm cho đất nước trở thành biểu tượng cho “hòa bình và vinh quang của sự khôn ngoan[4]”, nhưng triều đại Sa lômôn nhanh chóng suy vong vì vua đã chiều lòng tôn giáo của “ngàn người vợ”: “thờ các thần ngoại trong nhà Đức Chúa” (x. 1V 11, 2-3). Một triều đại trước đây được Thiên Chúa “ở cùng”, nhưng vì hướng dẫn dân Chúa theo thần ngoại nên Thiên Chúa bỏ dân. Hậu quả, “vua làm dân chịu”, đất nước chia cắt và sụp đổ, dân chúng chịu cảnh lưu đầy tại Babylon (597). “Cuộc lưu đầy là một khủng hoảng sâu sắc đối với dân chúng, vì là một tai họa thê thảm nhất trong lịch sử của họ: Làm thế nào để tiếp tục tin vào YHWH, nếu đền thờ của người đã bị tục hóa và hủy hoại…”[5]. “Thực sự họ đã bị giật đi tất cả những gì làm nên cuộc đời của mỗi người, những gì làm nên một dân tộc”[6]. Trước cảnh bi đát của dân, tiếng nói của Đức Chúa qua môi miệng Êdêkien lên án và vạch tội của những vị mục tử xấu[7]: “Chiên của Ta tán loạn vì không có người chăn giữ, không ai đoái hoài, không ai tìm kiếm” (x.Ed 34, 5 -6), “Sữa các người uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các người giết” (x.Ed 34,2). Đồng thời, Đức Chúa sẽ trực tiếp chăn dắt dân Ngài (x.Ed 34, 11) đến đồng cỏ xanh tươi.

Khoảng sáu trăm năm sau, kể từ cảnh lưu đày của dân Chúa, “Người Mục Tử Tốt” mà Ngôn Sứ Êdêkien tiên báo đã xuất hiện qua lời của Đức Giêsu: “Tôi chính là mục tử tốt, hy sinh tính mạng vì đàn chiên” (Ga 10,11).

Hình ảnh mục tử trong Tân Ước. Ngoài những mục tử xấu, trong Cựu Ước xuất hiện nhiều “mục tử tốt”[8] như vua Khítkigia[9] (716 – 687), Giôsigia[10] (640 – 609. Tuy nhiên, họ chỉ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để lãnh đạo dân, nên họ chu toàn trách nhiệm lãnh đạo dân theo ý Chúa. Trổi vượt trên các mục tử Cựu Ước, Đức Giêsu, mẫu mực của Mục Tử Tân Ước, không chỉ chữa lành chiên đau yếu, chiên bệnh tật (x.Mc 5, 21-43; Mc 10, 46-52; Ga 5,1-3a. 5-16), hay đi tìm những con chiên lạc (x. Mt 9,35), mà Người trở thành “Người chăn chiên tốt thí mạng cho đàn chiên được sống”[11]. Việc “hy sinh mạng sống cho đàn chiên là đặc điểm phân biệt chính yếu giữa mục tử tốt và người chăn thuê”[12], vì mục tử Tốt luôn “bảo vệ đàn chiên khỏi sói dữ và quy tụ chiên tản mác về một đàn”[13]. Nhưng trên hết, việc hy sinh mạng sống vì đàn chiên của Đức Giêsu trình bày căn tính và sứ mạng của Người: “Xưa Thiên Chúa đã là Mục Tử dẫn đưa dân thoát khỏi Ai Cập qua tay Môsê và Aharon, thì nay ‘Lời đã làm người’ là mục tử ‘Tốt’”[14]. Nhờ cái chết của Đức Giêsu, đàn chiên được sống, “Giáo Hội được tái thiết và quy tụ”[15] và trở thành Chiên của Nước Trời. Như vậy, yếu tố “hy sinh mạng sống” là đặc trưng riêng biệt của Mục Tử Giêsu truyền lại sứ mạng cho Phêrô: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy” (x.Ga 21, 15 – 19).

Hình ảnh mục tử trong thời đại hôm nay. Trước muôn vàn sự thay đổi của “thời thế”, người mục tử đã phải oằn mình “nội nhập thời đại”[16] để chăm sóc đàn chiên Giáo Hội. Trong quá trình nội nhập, yếu tố không bao giờ được thay đổi của một vị mục tử tốt là “hy sinh mạng sống vì đàn chiên”, như chính Đức Giêsu – mẫu gương của Mục Tử Tốt. Việc thể hiện sự hy sinh của người mục tử được gói trọn trong “Đức Ái Mục Tử là nhân đức nhờ đó giúp chúng ta noi gương Chúa Kitô trong sự trao hiến và phục vụ của Ngài. Từ đó chúng ta trao hiến chính mình để biểu lộ tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên của Ngài”[17]. Chính vì vậy, hình ảnh người mục tử tốt hôm nay là người thực thi “nội dung của đức ái mục tử là trao ban chính mình”[18].

“Trao ban chính mình” cho đàn chiên là yếu tố phân biệt Mục tử Tân Ước với Cựu Ước. Từ yếu tố phân biệt này, người mục tử ngày nay không chỉ dừng lại trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên mà trở nên giống Chúa Giêsu trong việc thực thi Đức Ái Mục Tử – hy sinh tính mạng vì gia đình nhân loại. Hình ảnh về Người Mục Tử Tốt là tấm gương soi dọi cho người mục tử của Chúa đang thi hành sứ mạng truyền giáo, là điều kiện song song với quyết định dấn thân theo đuổi ơn gọi trở nên “Mục tử như lòng Chúa mong ước”[19] và là sự quy chiếu, chất liệu cho cuộc hồi tâm cá nhân mỗi khi đêm về trước nhan Thánh Chúa.

Hà Nội, ngày 23/04/2020.

Phêrô Trần Văn Duy

 

[1] Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn – Cssr, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Yoan – Tập IV, Nxb. Tôn Giáo, 2003, Tr. 169.

[2] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2019, Tr. 270: Đoàn chiên là hình ảnh để chỉ Dân Thiên Chúa”.

[3] Giuse Nguyễn Công Đoan, Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gioan – Cuốn 1, Nxb. Đồng Nai, 2019, Tr. 143.

[4] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao , Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, Lưu Hành Nội Bộ, Tr. 268 – 282.

[5] Fx. Vũ Phan Long – Ofm, Sách Các Ngôn Sứ, Nxb. Đồng Nai, 2021, Tr. 153.

[6]X. Lm. Bernard Phạm Hữu Quang – Pss, Dẫn Nhập Thánh Kinh, Nxb. Tôn Giáo, 2018, Tr. 597 – 598.

[7] Mục tử xấu ám chỉ các vua xấu cai trị dân trong lịch sử Israen. Ví dụ, vua Rokhepam con Salomon: “Phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta chất nặng hơn nữa trên các ngươi ; phụ vương ta trừng phạt các ngươi bằng roi, còn ta, ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng bọ cạp” (1V 12,14).

 

[8]Vua Đavít cũng được xem là vua đạo đức, mặc dầu ban đầu Vua làm điều trái mắt Đức Chúa nhưng về sau Vua ăn năn sám hối. Theo truyền thống Do Thái, sau khi phạm tội, Vua Đavít ngày nào cũng đọc Thánh Vịnh 51 – “Sám Hối” – trong đầy tràn nước mắt.

[9] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao , Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, Lưu Hành Nội Bộ, Tr. 348 – 366.

[10] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao , Sđd, Tr. 373 – 390 .

[11] Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn – Cssr, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Yoan – Tập IV, Nxb. Tôn Giáo, 2003, Tr. 176.

[12] Lm. Lg. Đặng Quang Tiến, Tin Mừng Đã Được Loan Báo – Năm B, Nxb. Tôn Giáo, 2014, Tr. 138.

[13] Lm. Lg. Đặng Quang Tiến, Sđd, Tr. 139.

[14] X. Giuse Nguyễn Công Đoan, Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gioan – Cuốn 1, Nxb. Đồng Nai, 2019, Tr. 143.

[15] Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn – Cssr, Sđd, Tr.    .

[16] Thay đổi bản thân để thích ứng với hoàn cảnh, xã hội.

[17] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 22 – 23

[18] X. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Linh Mục Cho Thiên Nhiên Kỷ Mới, Dịch: Lm. Giuse Trần Đình Thụy Và Nhóm Têrêxa Avila – Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ, Nxb. Đồng Nai, 2020, Tr. 100.

[19] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 01.